Giới thiệu dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí dành cho nam giới có hành vi bạo lực
Dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí dành cho nam giới gây bạo lực là một dịch vụ do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISD); tổ chức khoa học công nghệ thành viên của Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) triển khai với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women). Dịch vụ là một phần trong mục tiêu Huy động nam giới và trẻ em trai phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam do UN Women Việt Nam triển khai. Dịch vụ cũng hướng tới hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030; và Cam kết của Việt Nam khi gia nhập Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); và Mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030: Không ai bị bỏ lại phía sau.
Bối cảnh triển khai dịch vụ Tư vấn pháp luật miễn phí dành cho nam giới gây bạo lực
Bạo lực giới không còn là vấn đề xa lạ tại Việt Nam. “Bạo lực đối với phụ nữ là biểu hiện của quan hệ quyền lực bất bình đẳng về mặt lịch sử giữa nam giới và phụ nữ, dẫn đến tình trạng nam giới thống trị và phân biệt đối xử đối với phụ nữ, đồng thời ngăn cản sự tiến bộ đầy đủ của phụ nữ…” (Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, 1993). Vì lẽ đó, việc đảm bảo bình đẳng giới trở thành một trong số 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015 – 2030 đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua. Tuy nhiên, một mặt đã có rất nhiều giải pháp, dự án dành cho nạn nhân của bạo lực đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái được triển khai, tổ chức để thực hiện mục tiêu đó. Mặt khác, chưa có bất kỳ giải pháp nào nhằm phòng ngừa, xử lý tình trạng bạo lực giới từ góc độ người gây bạo lực, nhất là nam giới. Thực trạng này đã tạo ra một khoảng trống lớn trong cả chính sách và hành động; khiến cho việc giải quyết tình trạng bạo lực giới ở Việt Nam chưa thật sự trọn vẹn. Trong bối cảnh này, UN Women, UNFPA và UNICEF cùng với chính phủ Việt Nam đã xây dựng một chương trình chung “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam 2021 – 2025”. Sự tham gia của nam giới và trẻ em trai với tư cách là tác nhân tạo ra những thay đổi trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được xác định là ưu tiên chính tại chương trình. Trên hành trình đó, được sự hỗ trợ từ UN Women, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) và Trung tâm Tư vấn pháp luật và Nghiên cứu chính sách (CLAP) phối hợp với Diễn đàn Kết nối Nam giới vì Bình đẳng giới và Phát triển bền vững (VNMenNet) cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật dành cho nam giới, đặc biệt là nam giới có hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Mục đích
CLAP phối hợp với VNMenNet triển khai dịch vụ tư vấn pháp luật bao gồm và không giới hạn tới các dịch vụ: tư vấn pháp luật; thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý dành cho nam giới,đặc biệt là nam giới có hành vi bạo lực.
Dịch vụ hướng tới mục tiêu cung cấp các kiến thức pháp luật, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ pháp lý cần thiết khác dành cho đối tượng này (bao gồm cả những người đồng tính nam và những người chuyển giới nam). Đây là mô hình dịch vụ tư vấn pháp luật dành cho nam giới gây bạo lực đầu tiên tại Việt Nam giúp góp phần nâng cao nhận thức của mọi người, đưa pháp luật vào cuộc sống; thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam hướng tới mục tiêu pháp triển bền vững.
Đối tượng tư vấn
Đối tượng tư vấn là nam giới (bao gồm cả những người đồng tính nam và những người chuyển giới nam). Thời gian đầu, dịch vụ mới chỉ chấp nhận khách hàng là người có quốc tịch Việt Nam. Trong tương lai không xa, khi nguồn lực và điều kiện cho phép dịch vụ sẽ mở rộng đối tượng khách hàng tới cả nam giới là người nước ngoài và người không có quốc tịch.
Người tư vấn
Người tư vấn công dân Việt Nam có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi cung ứng dịch vụ tư vấn pháp luật theo pháp luật Việt Nam bao gồm và không giới hạn tới: luật sư; trợ giúp viên pháp lý; tư vấn viên pháp luật; cộng tác viên pháp luật; công chứng viên; thừa phát lại. Người tư vấn là thành viên của Trung tâm hoặc là đối tác cá nhân của Trung tâm hoặc là thành viên hợp danh, người lao động, nhân viên của các tổ chức là đối tác của Trung tâm.
Hình thức cung ứng dịch vụ
Dịch vụ sẽ được cung ứng bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Khách hàng có thể trực tiếp tới văn phòng của Trung tâm hoặc đối tác để được tư vấn (yêu cầu đặt hẹn trước). Hoặc khách hàng cũng có thể được tư vấn trực tuyến thông qua các phương tiện như điện thoại, Zalo, Telegram, Viber, Facebook Messenger và nhất là qua ứng dụng Luật Điện Tử trên di động và máy tính. Tất cả các thông tin đều sẽ được bảo mật và mã hóa để bảo vệ bí mật đời tư của khách hàng.
Đối tác
Trên hành trình thực hiện sứ mệnh của mình, CLAP nhận được sự quan tâm, đồng hành và hợp tác lâu dài từ các đối tác tiềm năng trong quá trình triển khai dịch vụ tư vấn pháp luật dành cho nam giới có hành vi bạo lực hoặc nam giới có nguy cơ thực hiện hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Ngoài tư vấn pháp luật, CLAP còn cung cấp những thông tin cần thiết nhằm nâng cao nhận thức cho nam giới về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hình sự và Luật hành chính liên quan đến các hành vi bạo lực, hướng đến phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi này từ phía nam giới có hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, cụ thể:
(i) Đối tác là tổ chức cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật, cá nhân thực hiện tư vấn pháp luật;
(ii) Đối tác là tổ chức/đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực.